By Richard Duncan
Xin chào các bạn, và xin chúc mừng tất cả các bạn!
Thật ra, cho phép tôi được chúc mừng các bạn hai lần: một lần cho các thành công trên con đường học vấn của các bạn, một lần cho thời điểm thành công của các bạn.
Đời có câu: “Có thiên thời là có tất cả”. Các bạn tốt nghiệp vào thời điểm này quả đúng là gặp thiên thời rồi đó.
Ngoại trừ một vài nơi đang có mâu thuẫn hay xung đột, cả thế giới hiện nay nói chung là đang yên bình, và cái thế thịnh vượng(về vật chất) đang lan tỏa khắp toàn cầu. Hơn thế nữa, các bạn lại tốt nghiệp trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghệ đang tiến những bước vượt bậc mà xưa nay chưa hề thấy. Thế hệ các bạn sẽ có vô vàn cơ hội mà các cụ ngày xưa có nằm mơ cũngkhông thấy. Sự kiện tốt nghiệp ngày hôm nay là minh chứng hùng hồn về việc các bạn thật sự có quyết tâm tận dụng thời cơ.
Vì thế, trong buổi sáng hôm nay, tôi xin chia sẻ với các bạn một vài cảm nhận về những kỳ vọng hay dự liệu có thể có, đồng thời xin được chân tình khuyên các bạn về những hướng đi các bạn có thể chọn cho những năm sắp tới.
Trước tiên, các bạn nên dự liệu là sẽ có thay đổi, đồng thời cũng nên dự liệu về những điều bất khả dự liệu.
30 năm qua kể từ ngày tôi tốt nghiệp đại học vào năm 1983, thế giới đã trải qua nhiều biến động mà ít có ai (thậm chí là không có ai) lường trước được. Khi tôi tốt nghiệp, Hoa Kỳ và Trung Quốc hầu như chưa có quan hệ ngoại giao. Mười lăm năm sau,Trung Quốc trở trành một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Hoa Kỳ. Khi tôi khởi nghiệp ở Hồng Kông vào năm 1986, phần lớn mọi người đều cho rằng nền kinh tế Nhật Bản sẽ là nền kinh tế hùng mạnh nhất thế giới; ấy thế mà năm1990 kinh tế Nhật Bản lâm vào cảnh suy thoái, và từ đó đến nay gần như không tăng trưởng tí nào. Năm 1986, chỉ nghĩ đến cảnh Trung Quốc có thị trường chứng khoán thôi có lẽ cũng khiến mọi người phì cười; ấy thế mà chỉ sau một phần tư thế kỷ tăng trưởng nhanh, hiện Trung Quốc không chỉ có nhiều thị trường chứng khoán lớn, mà còn là nền kinh tế lớn thứ 2 trên thếgiới.
Năm 1994, chủ nghĩa phân biệt chủng tộc ở Nam Phi bị diệt vong. Năm 2001, những kẻ khủng bố lái phản lực cơ lao vào Trung Tâm Thương Mại Thế Giới và Lầu Năm Góc. Năm 2008, có một người da đen trở thành tổng thống Hoa Kỳ, và mới tháng trước thôi, tái đắc cử cho nhiệm kỳ hai!
Tất cả những điều kể trên đều là những sự kiện vượt xa tầm tưởng tượng của tôi hồi tôi mới tốt nghiệp đại học năm 1983.
So với những biến động về kinh tế và địa – chính trị, những phát triển trong lĩnh vực công nghệ gây kinh ngạc không kém. Đối vớinhững thăng trầm chính trị thì thế giới thật ra cũng không lạ gì. Nhưng những thay đổi công nghệ với tốc độ vũ bão như ta thấy trong 3 thập niên qua thì quả đúng là thế giới xưa nay chưa từng được chứng kiến. Năm 1984 là lần đầu tiên trong đời tôi sử dụng máy điện toán cá nhân, và đến năm 1995 thì mới được dùng mạng internet. Giờ đây, nhờ có internet kết nối không dây, chỉcần ngồi ở bàn làm việc ngay tại nhà là tôi có thể tiếp cận gần như toàn bộ kho tàng tri thức của thế giới; nếu không có chiếc iPad bên mình chắc cuộc sống của tôi sẽ vất vả lắm. Năm 1996, khi đọc được tin trên báo là “nàng cừu Dolly” đã được tạo ra theo phương thức sinh sản vô tính, tôi đã bị sốc. Năm 2003, việc lập mô hình bộ gen nhân loại được hoàn tất. Đến năm 2004,lần lần đầu tiên trong đời tôi nghe nói đến công nghệ na-nô.
Sở dĩ tôi nhắc đến những chuyện này là vì ít nhiều gì cũng có liên quan đến tương lai các bạn. Những bước phát triển mà tôi đã tận mục sở thị kể từ ngày tôi tốt nghiệp đến nay có lẽ sẽ chẳng thấm vào đâu so với những đột phá trong 30 năm tới. Rất có thể là đến giữa thế kỷ này thì những thay đổi công nghệ đã làm cho thế giới gần như khác hoàn toàn so với năm 2012 này. RayKurzweil, nhà tương lai học danh tiếng, tin rằng tất cả các công nghệ thông tin đều tiến bộ theo hướng ngày càng nhanh và lớn hơn về quy mô. Nếu đúng như thế thì máy điện toán của năm 2045 sẽ mạnh hơn hiện nay gấp 1 tỉ lần, dẫn đến sự ra đời hàng loạt phép lạ công nghệ và thành tựu y học phi thường. Chẳng hạn, Kurzweil cho rằng đến năm 2045 sẽ có những liệu pháp y học giúp con người chống lão hóa vĩnh viễn.
Tất nhiên là bây giờ thì tôi không biết điều đó có đúng hay không. Tôi cũng không thật sự chắc chắn là trong 30 năm tới sẽ có những biến động chính trị và kinh tế như thế nào. Điều mà tôi có thể nói với các bạn là thế giới mà các bạn đang sống sẽ có những thay đổi lớn. Hãy sẵn sàng đón nhận thay đổi nhé!
Tuy nhiên, cũng sẽ có một số thứ rất quan trọng không hề thay đổi. Đây là ý thứ hai mà tôi xin chia sẻ với các bạn.
Những đức tính bổn lai của nhân loại sẽ không thay đổi. Những nguyên tắc và giá trị đạo đức sẽ không thay đổi. Trong 30 năm tới, khái niệm đúng-sai, thiện-ác, chánh-tà sẽ vẫn y hệt như ngày hôm nay. Chẳng hạn, tính trung thực, chánh trực, lịch thiệp, tử tế, nhân từ, rộng lượng, và trung thành từ xưa đến nay vẫn được xem là “tính bổn thiện” của cộng đồng nhân loại. Những đức tính như thế sẽ không thay đổi.
Hãy nhớ lấy những điều đó khi các bạn khởi nghiệp cũng như khi lập gia đình. Làm việc gì cũng phải trung thực. Nếu gian dối thì chiến thắng cũng không vẻ vang gì. Thành công thật sự không chấp nhận gian dối. “Thành công nhờ tà đạo” là một nghịch ngữ không có chỗ đứng trên cõi đời này.
Hôm nay tôi được mời đến dự buổi lễ này do tôi là một kinh tế gia. Vậy tôi xin phép được nói đôi lời về những thách thức kinh tế trước mắt mà thế giới đang gặp phải.
Rất tiếc là phải nói với các bạn, mà sự thật là thế, rằng nền kinh tế toàn cầu đang trong thời khủng hoảng. Cách đây 40 năm, khi Hệ Thống Tiền Tệ Thế Giới Bretton Woods sụp đổ, thế giới không còn dùng vàng để định giá tiền nữa. Lúc đó là thời điểm chuyển từ hệ thống tiền tệ kim bản vị sang hệ thống dùng tiền pháp định (hay tiền định danh). Điều này dẫn đến sự bùng nổ tín dụng chưa từng thấy. Chẳng hạn, xét riêng ở Hoa Kỳ, từ năm 1964 đến 2007, tổng tín dụng tăng gấp 50 lần — từ 1 ngàn tỷ đến 50 ngàn tỷ đô-la.
Sự bùng nổ tín dụng tạo nên sự kiện bùng nổ kinh tế lớn nhất trong lịch sử. Tuy nhiên, một khoản tín dụng đáng kể giờ vẫnkhông thể thanh toán được. Trên bình diện toàn cầu, hầu như ngành nào cũng có năng suất quá cao. Nói cách khác, thu nhập không đủ để người dân mua hết những sản phẩm hiện có. Do đó, sản phẩm rớt giá, lợi nhuận không cao, và các ngân hàng có nguy cơ lâm vào cảnh khủng hoảng dây chuyền do những khoản nợ khó đòi.
Kể từ Đệ Nhị Thế Chiến đến nay, Hoa Kỳ là quốc gia tạo động lực cho đà tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Nhưng giờ đây Hoa Kỳ đang trong cảnh nợ nần chồng chất nên khó mà tiếp tục vai trò đó nữa.
Khu vực Châu Âu đang gặp khủng hoảng vì những quốc gia nằm ở vùng biên (Ái Nhĩ Lan, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, và Hy Lạp) không thể trả nợ cho những quốc gia nằm ở vùng tâm (Đức, Hà Lan, và Pháp).
Kể từ những năm mà phần lớn các bạn ra đời, nền kinh tế Nhật Bản đã gặp khủng hoảng rồi. Triển vọng ngắn hạn không sáng sủa, nhất là do dân số Nhật Bản đang giảm dần trong khi nợ chính phủ lên đến 240% GDP.
Trong nhiều thập niên qua, Trung Quốc luôn theo đuổi chiến lược tăng trưởng dựa vào xuất khẩu rất thành công. Tuy nhiên, giờ đây chiến lược đó không còn tỏ ra hữu hiệu nữa, bởi những đối tác mậu dịch chủ chốt của Trung Quốc đang gặp khủng hoảng.Rất có thể là nền kinh tế Trung Quốc có nguy cơ ngừng tăng trưởng — giống như Nhật Bản cách đây 22 năm. Thật tình mà nói,còn có thể tệ hơn thế nữa. Kinh tế trì trệ không phải là điều khó có thể xảy ra.
Việt Nam cũng không phải là không bị ảnh hưởng. Vấn đề ở đây là quốc gia này có năng suất quá cao ở một số ngành, khiến cho lợi nhuận thấp và các khoản vay ngân hàng không tạo ra lợi nhuận; trong khi đó, những ngành khác thì năng suất lại khôngcao, khiến cho những sản phẩm trong những lĩnh vực này chịu sức ép lạm phát
Những điều này đều là những thách thức không nhỏ, nhưng các bạn không cần phải lo. Đây là những thách thức mà thế hệ của những người như tôi phải vượt qua. Chúng tôi sẽ làm được điều đó.
Thách thức trước mắt mà các bạn phải đương đầu chính là chuẩn bị cho tương lai. Cần phải nỗ lực phấn đấu sao cho khi thế hệ của chúng tôi nhường bước thì chính thế hệ các bạn sẽ đủ hành trang và bản lĩnh để tiếp nhận những thách thức đó cùng với vô vàn cơ hội trong tương lai.
Cuối cùng, tôi xin gởi đến các bạn 6 lời nhắn nhủ về những gì các bạn nên làm trong những năm sắp tới để tương lai thật sự cóý nghĩa.
Thứ nhất, hãy mơ những giấc mơ vĩ đại. Các bạn còn trẻ mà. Hãy hướng lên bầu trời cao rộng. Hãy có óc cầu tiến. Điều gì cũng có thể được.
Thứ hai, hãy tiếp tục học, bằng cách đăng ký học để đạt được học vị cao hơn hoặc bằng cách tự học cũng được.
Thứ ba, hãy đọc sách. Đọc sách sẽ giúp các bạn học cách tư duy mạch lạc. Có lẽ các bạn nên đọc sách sử. Cách duy nhất để hiểu hiện tại hay tương lai là hiểu quá khứ trước đã. Nếu không biết nguồn cội, các bạn sẽ không tài nào biết được mình đangtrôi về đâu.
Thứ tư, hãy đi du lịch nước ngoài. Các bạn sẽ học hỏi không những về những quốc gia sở tại mà còn hiểu biết thêm về đất nước mình thông qua so sánh đối chiếu. Hồi mới tốt nghiệp, tôi dành ra 14 tháng đi vòng quanh thế giới, vừa kiếm việc làm vừa du lịch. Khoảng thời gian hơn 1 năm đó là một trong những chặng đường đời quan trọng nhất của tôi.
Thứ năm, hãy chọn con đường chưa có nhiều người qua lại. Hãy hành động, đọc sách báo, và khám phá những điều lạ –những điều mà số đông không thấy có hứng thú. Như thế các bạn sẽ có ưu thế riêng, quan điểm riêng, một cái gì đó thật độc đáo để cống hiến cho đời.
Thứ sáu, hãy suy nghĩ độc lập. Một khi đã làm thì hãy tin vào những kết luận của chính mình cho dù khác xa với quan niệm thông thường. Chân lý không phải lúc nào cũng thuộc về số đông.
Xin nói thêm một điểm nữa, và điểm này rất quan trọng. Trong khi chuẩn bị cho tương lai, xin các bạn đừng quên hiện tại. Đừng quên vui đùa thư giãn. Nếu bước đi trên con đường đời mà không có thú vui gì thì cuộc đời này còn gì là ý nghĩa nữa? Và đây cũng chính là lời khuyên mà tôi muốn các bạn làm theo ngay, bắt đầu ngay từ buổi tối hôm nay. Hôm nay là ngày tốt nghiệp. Hãy đi chơi và ăn mừng để tận hưởng đêm nay. Các bạn xứng đáng được hưởng điều đó!
Một lần nữa, xin chúc mừng các bạn. Xin chúc tất cả các bạn vạn sự may mắn trong đời!
Bình luận trực tiếp hoặc để lại số điện thoại để được hỗ trợ