Riêng tại Mỹ, nền giáo dục của họ đòi hỏi cao, tuy khó nhưng không phải là không đạt được thành công. Muốn có được một tấm bằng quốc tế bạn phải có cách học hiệu quả và phù hợp với bản thân. Bài viết xin chia sẻ kinh nghiệm học tốt của một sinh viên đang học tại Đại học Broward tại Việt Nam của chúng ta.
“Cũng có người cho rằng điểm số không quan trọng, quan trọng là mình học được gì. Điều này có thể đúng. Tuy nhiên, từ kinh nghiệm vừa là sinh viên, vừa là giảng viên của mình, tôi cho rằng điểm số là quan trọng”, (xin phép giấu tên Thầy/Cô) đã chia sẻ.
1- Tham gia thảo luận trên lớp
Ngôn ngữ có lẽ là rào cản đáng kể đối với rất nhiều sinh viên, đặc biệt là các bạn ở Tỉnh lẻ như tôi (ít nhất là trong giai đoạn đầu). Một trong những điều đáng sợ nhất trong các lớp EAP – Anh văn học thuật là khi tham gia phát biểu là chẳng ai hiểu mình nói gì. Với một người có “broken English” (nói bình thường đã chẳng ai hiểu gì rồi) như tôi thì còn nan giải hơn nhiều.
Tuy nhiên, ngay những ngày học ban đầu tôi đã phát hiện ra bốn điều quan trọng và sau khi hoàn tất khóa EAP, tôi đã mạnh dạn tham gia thảo luận, thậm chí tự tin đứng thuyết trình trước lớp.
– Thứ nhất, thực ra rất nhiều phát biểu của các bạn trong lớp mà người khác nghe cũng chẳng hiểu, chứ không riêng gì mình. Những ngày đầu, tôi rất ngưỡng mộ những người cứ thao thao bất tuyệt mà mình chẳng hiểu gì, còn thầy thì cứ gật gù.
Tôi thầm nghĩ, sao mà các bạn ấy giỏi thế không biết. Vào Đại học Broward gặp toàn những “hảo thủ” như vậy chắc mình tiêu rồi!
Tuy nhiên, sau khi nói chuyện với những người khác trong lớp thì tôi phát hiện ra rất nhiều người cũng giống mình, cũng chẳng hiểu các bạn khác nói gì. (Ha Ha Ha!)
– Thứ hai, có một người có thể hiểu được các sinh viên đang nói gì dù chữ được chữ mất, nhất là các sinh viên như tôi không được sử dụng tiếng mẹ đẻ trong lớp học. Người đó không ai khác, chính là giảng viên. Đơn giản vì thầy hiểu rất kỹ vấn đề, nên những gì sinh viên nêu ra, thầy có thể biết ngay.
– Thứ ba, cũng là điều quan trọng nhất, thầy mới là người có vai trò quyết định đánh giá kết quả học của sinh viên chứ không phải các bạn cùng lớp. Do vậy, việc những người ngồi xung quanh mình hiểu mình đang nói gì hay không, không quan trọng lắm. Quan trọng là thầy – người chấm điểm mình hiểu mình nói gì là được.
– Thứ tư, việc thảo luận trên lớp chẳng ai bắt bẻ đúng sai, mà thảo luận chỉ để mọi người cũng nghĩ và cùng tư duy.
Thế nên tháng ngày học các môn EAP đối với tôi là những buổi học thực hành và rèn dũa tối đa khả năng ngoại ngữ của mình để có thể giao tiếp lưu loát hơn và đặc biệt là Thầy cô có thể chỉnh sửa được các lỗi sai của mình để không bao giờ mắc phải trong tương lai.
2- Chọn môn học khi đăng ký trong từng khóa học rất quan trọng
Mặt khác, nếu chỉ xét về khía cạnh học được những gì thì động lực là rất quan trọng. Nếu môn nào mình học tốt được điểm cao thì đó chính là động lực cho mình học tốt hơn. Ngược lại, những môn học, điểm số chẳng ra sao, nhiều khi chỉ muốn cho xong nên kiến thức thu được rất ít.
Với cách tiếp cận như trên, tôi đã dựa vào hai tiêu chí để chọn các môn học khi học tập và rèn luyện tại Broward College:
– Thứ nhất, trong những Khóa đầu tiên sau khi hoàn tất các môn EAP, và bước vào các môn chuyên ngành, tôi chọn phần lớn những môn là thế mạnh của mình, thậm chí có thể chọn những môn học có tên quen thuộc và gây kích thích tính tìm tòi, học hỏi của tôi. Song, tôi chỉ chọn những vấn đề mới ở một mức độ nhất định. Điều này giúp tôi có thể lường đoán được khối lượng công việc là bao nhiêu.
Việc học những môn học thế mạnh của bản thân và học thêm lần nữa những kiến thức tưởng chừng mình đã biết, nó sẽ giúp mình hiểu sâu vấn đề hơn.
– Thứ hai, tôi chỉ chọn đăng ký những môn học có liên quan đến nhau ở một số điểm nào đó, để khối kiến thức thu thập được có thể bổ trợ cho nhau mà không chồng lấn lên nhau. Việc các bạn cứ theo số đông và không nghĩ đến các lợi và hại cho bản thân thì có ảnh hưởng rất lớn đến kết quả của bạn trong các môn học sau này. Hoặc nếu chọn nhiều môn trái ngược hoàn toàn với nhau, thì lượng thông tin cần thu nạp sẽ nhiều hơn ít nhất 30%.
Khách quan cho thấy, nếu bạn thích chọn các môn học có nhiều số lượng bạn bè rủ rê, tụ tập đăng ký, thì trong chính quá trình học cũng sẽ không thể nào tập trung, hoặc sẽ có 1 sự ‘xao nhãng’ nghiêm trọng trong việc học rất lớn. Tuy nhiên, với nhóm bạn năng nổ học tập và giúp nhau cùng tiến thì đó sẽ là 1 bí quyết nữa sẽ đề cập đến kế tiếp.
3- Học nhóm và giúp đỡ người khác
Việc chọn những môn thế mạnh, và những môn mà mình biết rồi có cái lợi là mình hiểu kỹ hơn một số người trong lớp. Nhưng khi các bạn trong lớp nhờ giải thích bạn luôn phải sẵn sàng. Điều đáng ngạc nhiên, khi giải thích cho các bạn cùng lớp, có thể lại phát hiện ra những điều mình chưa hiểu kỹ thậm chí là hiểu sai.
Nhờ đó, các bài tập hay bài thi cũng như kết quả chung cuộc tốt hơn hẳn. Còn về mặt ngôn ngữ, đừng ngại, vì khi đó điểm trung bình môn Tiếng Anh thời THPT của tôi chỉ có 5.5 thôi chứ không được trên 6.0 như hầu hết các bạn trong lớp.
Và giờ đây tôi đang theo học môn cuối cùng của khóa Spring I, 2014. Cảm giác hết sức tự hào vì đã cho bản thân cơ hội thử thách chính mình, cứ tưởng chừng như không thể nào vượt qua. Thêm vào đó, tôi rất biết ơn những thầy cô, các chị nhân viên phòng DVSV đã giúp đỡ tôi hết mực tận tâm và nhiệt tình trong những tháng ngày đầu tiên, khi còn lớ ngớ bước vào trường. Tôi cảm thấy thật sự trưởng thành và sẵn sàng cho vòng 2 cuộc phỏng vấn Học bổng toàn phần để chuyển tiếp lên 1 trường Đại Học tại Mỹ vào tháng tới.
Bình luận trực tiếp hoặc để lại số điện thoại để được hỗ trợ